Tuesday, August 20, 2013

Nỗi hổ thẹn của báo chí nhà nước

image
Hôn mê

Gần hết trong hơn 700 tờ báo nhà nước ở Việt Nam vẫn như đang hôn mê trong nỗi hổ thẹn từ tiềm thức đến vô thức, trong bối cảnh chưa bao giờ xã hội lại cần đến tiếng nói phản biện của báo chí như hiện tình.

Với gần hết đội ngũ tổng biên tập và cả phó tổng biên tập đã được “cơ bản tái cơ cấu”, không có mấy phóng viên nhiệt thành nào lèn được bài viết phản ánh thực tồn xã hội ngổn ngang lên mặt báo.

Cách đây không lâu, báo Thanh Niên suýt bị khởi tố vì mạo phạm Ngân hàng nhà nước qua bài “Rửa vàng”. Còn trước đó, việc bắt và xử tù phóng viên Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ đã gần như đặt dấu chấm hết cho lớp nhà báo muốn phanh phui câu chuyện “núp lùm” của cánh cảnh sát giao thông.

image
Hơn một năm đã trôi qua kể từ quý 2 năm 2012 – được xem là cơn thủy triều thình lình của báo chí chính thống với hơn 2.000 bài viết khắc họa về chân dung “Người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn, một phần rất lớn các tờ báo nhà nước lại trở về thế nằm cam chịu dưới vô số “chỉ đạo định hướng” của Ban tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Những định hướng của các cơ quan tuyên giáo và quản lý báo chí lại ngày càng bốc đồng tính xu thời cùng với thời vận quốc gia lâm nguy trong cơn hoạn nạn về tham nhũng, nhóm lợi ích, suy thoái kinh tế, sa sút đạo đức, tệ nạn xã hội…

Bất chấp một số bài viết lên án sự vô cảm của đồng loại, báo chí vẫn hiển hiện như một mặt trận vô cảm không thua sút. Những nội dung phổ biến mà độc giả trong nước được thưởng ngoạn trên báo chí chính thống vẫn rất thường là các tin tức giật gân, câu khách, hay nói như dân gian là logic “cướp giết hiếp”… hẳn có mấy tờ báo còn đủ tự trọng để đánh động dư luận về những chuyện bất công xã hội vốn đang đầy rẫy ở xứ sở được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tự tin “dân chủ gấp vạn lần tư sản”.


image
Đã từ hai năm qua, Vietnamnet – một trong những tờ báo điện tử có uy tín và thu hút được lượng truy cập lớn nhất Việt Nam – đã gần như đánh mất bản sắc phản biện của mình. Người ta không còn nhận ra sắc diện cống hiến trên mục Tuần Việt Nam và ở cả những chuyên mục xã hội, kinh tế của tờ báo này. Sau khi báo điện tử Tầm Nhìn bị đóng cửa vào tháng 7/2012, loại bài như “Mùa xuân Myanmar” trên Vietnamnet đã khiến những tác giả của nó không chốn dung thân.

Tương tự, những tờ báo đã từng tỏa hơi ấm nhân bản đồng loại trong vụ Tiên Lãng vào đầu năm 2012 như Giáo Dục Việt Nam, Dân Việt, Người Lao Động, Pháp Luật TP.HCM, Sài Gòn Tiếp Thị… cũng như lắng tiếng trong một tâm trạng mỏng manh chân đứng.

Quá nhiều chuyện cần được nói và cần phải tiết lộ, nhưng lại quá ít can đảm để thoát khỏi vòng kim cô. Những bài báo hiếm hoi về thực trạng quá sức bất công trong thu hồi đất đai ở một số địa phương thi thoảng mới được phản ánh trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, cùng vài ba tờ khác với hàm lượng khiêm tốn hơn nhiều. Song qua cái số hiếm hoi ấy, độc giả vẫn chưa thể nhận ra một sự thật chính đáng nhất: nguồn cơn gây ra bất công và thái độ thích đáng đối với trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo cùng các cơ quan điều hành quản lý liên quan.

“Đừng nấp trong gấu áo của nhân dân”

image
Suốt nhiều năm qua, không một quan chức cao cấp nào từng công khai vi hành ở các chợ búa và các vùng sâu, vùng xa, nơi những đứa trẻ phải bắt chuột thay cơm và ở những nơi mà sức chịu đựng của người dân đang tiệm cận giới hạn cuối cùng của sự kiệt lực.

Thế nhưng, trước tất cả những cảnh trạng ngang ngược chưa từng thấy của các nhóm lợi ích độc quyền, giới công luận ở Việt Nam vẫn chỉ dám hô hấp một cách hổn hển. Khi thời gian giữa năm 2013 buộc phải chứng nhận ba cú tăng giá xăng dầu và một lần phóng giá điện lực làm náo loạn xã hội, đa phần các bài báo vẫn chỉ chạm khẽ vào hiện trạng giá cả tăng làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và lạm phát. Họa hoằn mới có một tờ báo phỏng vấn những chuyên gia độc lập như Ngô Trí Long, Nguyễn Minh Phong để hé ra đôi chút tính phản biện đối với chính sách tăng giá vô tội vạ. Nhưng những bài báo đó lại quá ít ỏi so với phong trào phản biện chống tăng giá điện và xăng dầu trên báo chí lề phải vào cuối năm 2011, và càng không thể so sánh với gánh ì của trên 17.000 người viết báo có thẻ ở Việt Nam.


image
Thật hiếm hoi, một tờ báo nhỏ như Văn Hóa Nghệ An vào tháng 8/2013 đã khơi dậy tinh thần phản kháng còn sót lại trong tâm khảm những người viết báo đối với nhóm lợi ích: “Nếu cần gì hãy cứ nói thẳng với Nhân Dân. Nhân Dân chưa bao giờ tiếc một cái gì, kể cả mạng sống vì Đất nước. Hãy minh bạch đối diện với Nhân Dân, đừng nấp trong gấu áo của Nhân Dân để phục kích, làm hại Nhân Dân”.

Cũng còn những cuộc “phục kích” khác…Những năm qua, nghe nói còn có cả những chỉ thị của Ban tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông đối với báo chí về một “vùng cấm” nào đó trong việc đưa tin viết bài về chuyện độc quyền tăng giá, cả về chuyện “tránh để các thế lực thù địch lợi dụng”.

Một nhà báo giấu tên còn cho biết những hành xử ẩn lộ trong mấy năm gần đây của các cơ quan quản lý báo chí đã khiến cho giới phóng viên sinh ra không ít nghi vấn về một mối quan hệ “đi đêm” nào đó giữa các nhóm lợi ích và các cơ quan chỉ đạo báo chí – như hiện tượng đã từng bị dư luận dị nghị không ít lần trong quá khứ. Nhiều người cũng còn nhớ việc một nhà báo đã tố cáo một quan chức tuyên giáo nhận “lại quả” lên đến vài chục ngàn USD xảy ra những năm về trước…


image
Tiền bạc có thể tạo ra truyền thông nhưng cũng dễ làm cho báo chí phải ngậm miệng. Chưa bao giờ tính nghi ngờ của giới phóng viên lại cao độ như vào lúc này, khi họ liên tục nhận được các chỉ thị bất bình thường từ hệ thống tuyên giáo liên quan đến những “vùng kín” đắt đỏ.

“Định hướng”, “nhắc nhở”, “phê bình”, “kiểm điểm”, “kỷ luật”, “phạt hành chính”… có lẽ mới là ngôn luận chính thống của một nền báo chí được xem là chính thống. Hàng tuần và hàng tháng, cơ quan tuyên giáo và quản lý truyền thông ở cấp trung ương và ít nhất hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM vẫn miệt mài vận động với não trạng lê mòn không đổi khác.

Không có lấy một lối thoát khả dĩ cho báo chí trong việc lên tiếng đánh thức lương tâm và chế ngự tính vô cảm tràn lan trong xã hội. Những phóng viên có nghề và có tâm huyết dần dần bỏ viết, rời khỏi báo, trong khi những nhà báo trẻ kế cận lại chưa thể kế thừa kinh nghiệm và phong cách của lớp đi trước. Còn lại, đại đa số hàng ngũ tổng biên tập mới chính là một dấu ấn đặc trưng cho “nhà báo quan chức” hoặc “trí thức cận thần” khép miệng trùm mền.

Cơ hội và “dũng khí”

image
Không hoặc chưa thể vượt qua nỗi sợ hãi đang chế ngự chính mình, phần lớn nhà báo quốc doanh đang để vuột khỏi tay họ điều được gọi là lương tâm nghề nghiệp.

Báo chí nhà nước cũng đang dần mất đi cơ hội ngang bằng phải lứa, ít nhất trên phương diện tin tức, so với giới truyền thông xã hội.

Vài cuộc hội thảo, tọa đàm gần đây đã gián tiếp xác nhận trong số hơn 30 triệu người dùng Internet ở Việt Nam, lượng người truy cập vào truyền thông xã hội đã tăng vọt theo cấp số nhân, chuyên chú vào nhiều sự kiện thời sự mà báo chí “lề phải” đã không tự nguyện dấn thân.


image 
Dù vẫn bị những báo cáo nội bộ nào đấy đánh giá là “phản động”, không ít trang mạng xã hội như Basam, Bauxite Vietnam, Quechoa, Chuacuuthe… đang có xu hướng chuyên nghiệp hóa báo chí, với đội ngũ cộng tác viên được tăng trưởng về số lượng và nâng tầm về nghiệp vụ. Nhưng điều rõ ràng nhất có lẽ là các trang này đã không ít lần dám công khai những chủ đề và vấn đề chính trị – xã hội mà giới báo chí nhà nước hầu như không dám đụng đến. Có lẽ, đó cũng là một đặc tính riêng cần khắc họa khi bàn về cái được gọi là “dũng khí báo chí”.

Điều đáng tiếc không kém cho giới báo chí quốc doanh là họ đã không nắm bắt được cơ hội ngay cả khi có dịp may. Bởi từ đầu năm 2013, những điều kiện về đối ngoại chính trị và phản ứng lẫn phản kháng đối nội đã tỏ ra khởi sắc hơn hẳn bối cảnh năm ngoái, đặc biệt là tiếng nói phản biện của giới nhân sĩ, trí thức độc lập ngày càng mạnh mẽ.

Chưa bao giờ truyền thông xã hội lại quyết đoán như hiện nay.

Tuy thế, nghe nói tại nhiều tòa soạn báo quốc doanh vẫn luôn tồn đọng một danh sách những tác giả bị cấm cản. Bài viết của những trí thức từng có tên tuổi trên truyền thông quốc tế như Tương Lai ở Sài Gòn hay Nguyễn Quang A ở Hà Nội lại luôn là “đối tượng” bị ngăn chặn như vậy.


image
Dù phía trước là cơ hội đang mở ra cho báo chí nhà nước, cơ hội về thông tin và quan trọng hơn là cơ may để bình luận về các sự kiện thời sự, đặc biệt là mối quan hệ Việt - Mỹ đang bớt lạnh giá, nhưng điều rõ ràng là hiện chỉ có quá ít cây bút bình luận mang tính khách quan và độc lập, nếu không tính tới đội ngũ “ngoại giao đoàn” ở các báo đảng quen thuộc như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân.

Cũng chưa cần xét đến nội trị, mối quan hệ đối ngoại giữa nhà nước Việt Nam với Hoa Kỳ và Cộng đồng châu Âu sẽ có thể không được mặn mà theo đúng nghĩa của nó, một khi chính giới quốc tế vẫn chán nản về chuyện giới truyền thông nhà nước Việt Nam còn lâu mới đủ dũng khí để phản biện những vấn đề bất công và bất bình đẳng gay gắt của xã hội, cũng như vẫn chưa “hòa hợp” với giới nhân sĩ trí thức trung lập ôn hòa.

Một nhà báo ở Sài Gòn cảm thán: “Việt Nam đang ‘tự do báo chí’ theo kiểu cách không giống ai. Một nền báo chí chỉ đạo tập trung hóa như vậy mà đòi thâm nhập vào cả Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc sao?”.


image
Phạm Chí Dũng là nhà báo tự do hiện đang sinh sống tại Sài Gòn.

image


Sống ở thành phố thông minh

image

Boston, Hoa Kỳ
image
Boston được lắp đặt hệ thống mang tên ShotSpotter, một hệ thống sử dụng cảm ứng âm thanh để phát hiện và xác định địa điểm có tiếng súng nổ. Thành phố này cũng có 222 cảm ứng để phát hiện các vũ khí sinh học.
Trang thiết bị trên các tòa nhà lần theo những nơi phát sinh khí thải nhà kính trong khi các phần mềm phân tích giúp dự đoán những bộ phận cần bảo dưỡng trong hệ thống cống.
Thị trưởng thành phố thành lập một Văn phòng Kỹ sư thành thị mới để kết nối công dân với các dịch vụ trong thành phố và khuyến khích người dân đóng góp vào hoạch định cộng đồng qua một trò chơi 3D (ba chiều)

Dublin, Ireland
image
Thành phố được làm nơi thử nghiệm cho hãng IBM vốn đang làm việc với Hội đồng thành phố để thu thập và phân tích dữ liệu giao thông trong một nỗ lực giảm tắc đường.
Thông tin đi lại được thông báo và cập nhật từng phút và cư dân có thể lên mạng để tìm đường đi ngắn nhất tới nơi họ muốn đến. Một bản đồ kỹ thuật số đang được lập, hiện rõ vị trí của từng xe buýt trong thành phố vào thời điểm thực.
Thành phố này cũng đang thử nghiệm dữ liệu mở, tạo ra các app mới như ParkYa dùng dữ liệu giao thông trực tuyến để chỉ dẫn người lái xe tới các điểm đỗ xe.

London, Anh Quốc
image
London đã có một hệ thống giao thông thông minh đáng ghen tị, từ lệ phí đánh vào xe ô tô khi đi vào trung tâm thành phố tới thẻ Oyster, loại thẻ cho phép người sử dụng có thể trả tiền để sử dụng hệ thống tàu điện ngầm, xe lửa và xe buýt
Tại Văn phòng của Thị trưởng thành phố London, những chiếc iPad gắn trên tường cung cấp dữ liệu liên tục về những gì đang diễn ra trong thành phố, từ những gì đang thịnh hành trên Twitter, tới thành phố vui vẻ hay không, hay đo lường về ô nhiễm, việc sử dụng chương trình đi xe đạp của thành phố, mực nước sông và thông tin về hệ thống tàu điện ngầm.
Intel đã tài trợ nghiên cứu về thành phố thông minh tại trường đại học Imperial Collegetrường University College. Trong khi đó công ty Cisco đã lập trung tâm Các Thành phố Tương lai tại Shoreditch và Living PlanIT sẽ dùng bán đảo Greenwich là nơi thử nghiệm hệ thống điều hành thành thị của họ.

Amsterdam, Hà Lan
image
Thành phố đang làm rất nhiều trong việc cởi mở dữ liệu công cộng và một loạt các app được tạo ra, như Bike Like a Local (Đi xe đạp như người địa phương), một ứng dụng được thiết kế dành cho du khách đi xe đạp trong thành phố; Appening Amsterdam, một thiết bị giúp tìm xem nên đi chơi buổi tối ở đâu; và Drive Carefully (Lái xe cẩn thận), một ứng dụng báo động cho bạn nếu bạn lái gần một trường học.
Trang mạng Amsterdam Smart City (Thành phố Amsterdam Thông minh đầy những chương trình đã được thực thi. Nó bao gồm một diễn đàn cho phép hàng xóm và bạn bè có thể thuê xe hơi của nhau một cách an toàn hay một khu dân cư thử nghiệm bền vững nơi hơn 500 gia đình được cung cấp công tơ thông minh cho phép người dân sống tại đó trở nên có ý thức hơn về mức năng lượng mà họ sử dụng.

Songdo, Hàn Quốc
image
Dự án trị giá $35 tỷ, đặt tại vùng đất khai hoang gần Hoàng Hải, vẫn được xem là kiểu mẫu cho các thành phố thông minh trên toàn cầu khi thành phố này bắt đầu được xây dựng vào năm 2005.
Còn được biết đến như một thành phố ở đâu cũng có - U-city, hệ thống thông tin của Songdo kết nối tất cả với nhau. Nó khiến các nhà chỉ trích gọi đây là một "thành phố trong hộp " – là nơi phô trương khoa học kỹ thuật nhưng không nhất thiết đã là lý tưởng cho con người.
Mỗi căn nhà có một hệ thống tele-presence (hiện diện từ xa). Ngoài việc cho phép người dùng điều khiển nhiệt độ và các khóa cửa nó còn có cả ứng dụng hội đàm qua video và nó cũng được thiết kế với ý định sẽ là một hình thức đem giáo dục, chăm sóc y tế và các dịch vụ của chính phủ tới gia đình.
Thành phố sẽ được hoàn tất vào năm 2015, và khi đó nó sẽ là nhà của 65.000 người và 300.000 người lao động.

Singapore City, Singapore
image
Singapore đang làm việc cùng Phòng thí nghiệm Senseable Cities của MIT để tìm các cách thức mới trong việc sử dụng dữ liệu theo thời gian thực của thành phố.
Họ sử dụng dữ liệu điện thoại di động để cải thiện giao thông công cộng trong thành phố và phân tích dữ liệu phát sinh cũng đã cho thấy một số điều dị thường như người ta sử dụng phương tiện giao thông công cộng vào buổi sáng nhiều hơn là vào giờ tan tầm buổi chiều tối.
Các dữ liệu phát sinh được công bố trên một diễn đàn mở và đã được sử dụng trong một vài ứng dụng sáng tạo, như dự báo thời tiết được cung cấp trước 10 phút và có thể chỉ cho tài xế taxi biết các khu vực trong thành phố sẽ có mưa.

Masdar, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE)
image
Masdar, có nghĩa là "nguồn" trong tiếng Ả Rập, là một thành phố ở ngay giữa sa mạc Abu Dhabi thuộc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Nó được thiết kế là một trong những thành phố bền vững nhất trái đất. Với trung tâm điểm là nhà máy điện năng lượng mặt trời và các trạm điện bằng sức gió cung cấp năng lượng cho thành phố, nơi đây hướng tới mục tiêu không có khí thải nhà.
Thành phố được xây dựng trên nền đất được xây cao lên cho phép “kỹ sư kỹ thuật số” có thể dễ dàng tiếp cận vào hệ thống kỹ thuật tân tiến điều hành hoạt động của thành phố.
Đây là một thành phố thân thiện với người đi xe đạp, và hoàn toàn không dùng xe hơi, mặc dù thành phố đang thử nghiệm một mạng lưới podcars - xe chạy điện không người lái.

Johannesburg, Nam Phi
image
Một trong những thành phố thông minh đầu tiên của Nam Phi, Johannesburg nay có hệ mạng cáp quang siêu nhanh khiến các nước Phi châu khác phải ghen tị.
Dự án Băng tần rộng của Thành phố Jo'burg bắt đầu hoạt động từ tháng Bảy với mạng cáp quang trải rộng khắp mọi khu vực trong thành phố với công suất đường truyền đầy ấn tượng 1.2Tb (terabit).
Họ cũng đang có kế hoạch đưa vào hoạt động đo điện và nước thông minh và xây dựng một trung tâm tin tức intelligence centre) về an toàn công cộng.
Thị trưởng thành phố Mpho Parks Tau nói ông muống thành phố "trở nên thông minh trên mọi phương diện."

Barcelona, Tây Ban Nha
image
Trưởng phòng thông tin Hội đồng thành phố Barcelona, Manel Sanroma, đưa ra tuyên bố mạnh bạo hồi năm ngoái rằng các thành phố của tương lai có thể trở nên có quyền lực hơn cả nhà nước một quốc gia. Barcelona quyết tâm là một trong những thành phố đi đầu: thành phố đã lập những tuyến đường xe buýt hiệu quả hơn, giản tiện việc thu rác dùng cảm ứng, áp dụng hệ thống đèn đường thông minh và đang phát triển hệ thống thanh toán không cần chạm thẻ trên hệ thống giao thông công cộng.
Một hệ thống điều hành thành phố kết nối toàn bộ các hệ thống với nhau vào một nơi cũng đang được phát.

Rio de Janeiro, Brazil
image
Năm 2010, Thị trưởng thành phố Eduardo Paes đã đặt ra nhiệm vụ cho hãng IBM tạo lập một trung tâm điều hành trên toàn thành phố có thể kết nối tất cả 30 cơ quan của thành phố này với nhau, từ giao thông tới cấp cứu. Nó có nghĩa là các viên chức trên khắp thành phố nay có thể phối hợp quản lý hệ thống giao thông công cộng và những đi lại trong thành phố trong khi vừa đảm bảo nguồn cung cấp điện, nước làm việc có hiệu quả hơn.
Một phản ứng có phối hợp có thể được thực hiện trong trường hợp xảy ra khủng hoảng như sập nhà. Hệ thống giao thông có thể được ngưng lại, các dịch vụ cứu trợ có thể được điều động và nguồn cung ứng khí đốt có thể được chặn lại trong khi người dân có thể được thông báo các tuyến đường thay thế qua.

image


Những triết lý về ly cà phê!

image
Thứ 1 :
"Đừng nên hâm nóng lại café. Bởi nếu hâm nóng lại thì café sẽ mất hết mùi vị và gây ra vị đắng. Uống không ngon và sẽ có mùi khét."

Cuộc sống có lẽ cũng như vậy. Việc hâm nóng lại café cũng như việc suy nghĩ quá nhiều về quá khứ . Nhiều người đang sống trong hôm nay nhưng đầu óc thì vẫn luông trông ngóng về những thứ đã qua . Họ nuối tiếc, họ nhìn mãi về một mối tình đã xa hoặc nhớ nhung về một người nào đó mà quên mất đi rằng - những việc đó chỉ mang lại sự buồn chán và khó chịu thậm chí là gây ra sự đớn đau cho chính họ mà thôi . Quá khứ là những thứ qua rồi, đừng nên khơi nhắc lại mà hãy sống với thực tại thì hay hơn ... 



image
Thứ 2 :
"Hãy bảo đảm café bạn uống cần phải luôn tươi mới. Hãy uống ngay khi pha xong bởi café chỉ nên giữ ấm khoảng 15 phút trên bếp trước khi hương vị của nó trở thành khó chịu. Thưởng thức ngụm café đầu tiên với cảm giác sảng khoái, tuyệt vời..."

Tại sao không bắt đầu lại mọi thứ trong hôm nay khi mà thực tại là cơ hội của sự đổi mới ? Hãy nắm bắt nó khi cơ hội vẫn còn. Không nên lãng phí thời gian mà hơn hết là hãy biết sử dụng nó để mọi thứ trở nên có ích hơn... Thay đổi mình, thay đổi khẩu vị, thay đổi một ly café và thưởng thức một mùi vị mới. Điều đó cũng nên lắm chứ khi mà mùi vị cũ - đã trở nên nhạt nhẽo đi nhiều rồi ... 



image
Thứ 3 :
"Hãy rang café đúng cách. Nếu xay quá nhuyễn café sẽ trở nên quá đắng. Nếu xay quá thô café sẽ chỉ là nước loãng..."

Về nguyên tắc này cũng giống như việc đòi hỏi về sự quan tâm , săn sóc trong tình yêu vậy. Nó nhắc nhở ta nên biết cân nhắc và trân trọng với những gì mình đang có . Sự quan tâm quá mức đôi khi sẽ không đem lại một kết quả như ý mà thậm chí còn làm hư hỏng một tình yêu . Nhưng ngược lại, nếu thiếu vắng đi sự săn sóc , hay vì quá vô tâm và hời hợt thì tình cảm cũng sẽ trở nên khô khan và nhạt nhẽo . Mất dần đi vị ngọt rồi sớm muộn cũng trở thành thứ nước loãng mà thôi .



image
Thứ 4 :
"Đừng cố sử dụng lại bã café – vì nó chỉ còn là vị đắng và sẽ có mùi khét khi pha."

Nên dứt khoát trong việc tình cảm . Đừng nên cố gắng vớt vát với những thứ đã khôngthuộc về mình . Việc đừng sử dụng lại bã café cũng như việc không nên tìm gặp lại người yêu cũ. Sẽ chẳng thể đi đến một điều gì khi mà ta đứng này mà vẫn trông núi nọ . Tập trung và trân trọng với những gì mình đang có . Điều đó mới có thể tạo nên một hương vị café thực sự cũng như là một điều cốt yếu để tạo dựng một hạnh phúc cho bản thân.



image
thứ 5 :
Cuộc sống cũng giống như 1 ly café. Bạn ngồi bên cửa sổ, nhấc tách café lên...nhấp 1 ngụm...và chợt nhận ra rằng ly cafe chưa có đường. Rồi bởi vì ngại đứng dậy để lấy đường, bạn ngồi đó và uống ly café đắng. Khi ly café đã cạn, bạn mới phát hiện ra rằng đường đã không tan ra và dính ở đáy ly...

Chúng ta mất quá nhiều thời gian để băn khoăn tại sao cuộc đời lại quá ảm đạm, nhạt nhẽo..., và tốn rất nhiều thời gian đi tìm kiếm sự ngọt ngào trong khi ta chỉ cần khuấy lên. Chính tôi, chính bạn sẽ làm cho cuộc sống của mình đầy hương vị nếu ta không chờ đợi. Hãy tận hưởng ly café của cuộc sống!



image
Lời kết: Để có được một ly café ngon - người pha đòi hỏi phải có một kiến thức rộng rãi . Để có một tình yêu thật sự đẹp, không thể không đòi hỏi những sự vun vén của cả hai. Yêu như thế nào, cư xử và cách quan tâm ra sao, bên ly café cuộc sống đã nói lên rất nhiều. Thôi thì hãy để một sáng đẹp trời, qua nhà đón người mà mình yêu mến. Nhẹ nhàng ăn sáng, rồi nhẹ nhàng thưởng thức một ly café thật đậm đà và tươi mới. Không mùi khét, không vị đắng và chẳng còn loãng nhạt ... Từ từ uống, từ từ tìm thưởng thức và từ từ tìm hiểu một Triết lý café ...


image
image